
Người ta thường nhắc tới bí ẩn của bộ não mỗi khi cần một lập luận ủng hộ cho ác quan điểm của họ về các chức năng vô thức, năng lực giác quan siêu tưởng, hay để ám chỉ về một “công tắc” bí hiểm nào đó mà khi được bật lên có thể biến một người từ bình thường bỗng trở thành thiên tài… và một lần nữa, cụm từ “bí ẩn của não bộ” lại được nêu lên khi những cuộc tranh luận về cái gọi là “dự cảm siêu nhiên” đi vào ngõ cụt, mà vốn chẳng có một lối mở nào cho những giả thuyết dự cảm đó.
Quý ông và quý bà, đã bao giờ mọi người hào hứng kể nhau nghe về những chuyện kì bí kiểu như bóng đen vụt qua, tiếng động lạ trên nóc nhà, những tiếng thì thầm nghe ma mị. Đã có ai chưa từng nghe về bóng đè, về những giấc mơ có thật, hay cảm giác rằng chuyện này đã từng có trong quá khứ? Tôi chắc rằng trong chúng ta ai cũng có nỗi sợ hãi tuổi ấu thơ mà thời gian đã biến nó thành những điều lố bịch không thương tiếc. Ta có còn bắt bố mẹ soi gầm giường mỗi đêm để chắc rằng không có cái gì lạ bên dưới kể từ khi ta biết rằng thứ đáng sợ đó ở ngay trong mỗi con người? Tôi có hàng tá câu chuyện cần giấu giếm như vậy, nhưng khi cần truy vấn về tâm hồn mình, tôi cho rằng hẳn phải có một “cái lõi” nào đó đúng đắn để mọi người đều hiểu ma, hay ông kẹ, là gì chứ. Và những lúc cần biện hộ cho những niềm tin về thế giới kì lạ của mình, tôi sẽ viện dẫn gì đây?
Bởi thế giới tinh thần là trải nghiệm cá nhân (bạn có thể nói về cơn giận của mình mà không mô tả bối cảnh nó?), cùng bản chất trung thực của khoa học biết thừa nhận những khiếm khuyết, nên một loạt phong trào từ siêu hình đến siêu nhiên với cách lấp liếm vào chính ngay bản chất “đang phát triển” của khoa học đã ồ ạt nổi lên hòng cầu mong sao có một kẻ hở để ít nhất được một lý thuyết siêu nhiên được chấp nhận.
Tôi từng nghe một luận đề khá thú vị thế này: giữa Trái đất và Mặt trăng tồn tại một ấm trà có quỹ đạo xác định, nếu không chứng minh được nó sai thì nghĩa là nó đúng, và ấm trà đó thực sự tồn tại.
Khi bạn đóng cửa, điều gì chứng minh rằng trái táo trong phòng bạn vẫn còn nằm ở đó? Qua camera, qua người khác, và giả dụ đó là căn phòng kín, thì điều gì giúp bạn khẳng định rằng nó vẫn ở đó? Câu trả lời là bạn tin rằng: thế giới thực tại tuân theo các quy tắt của thực tại, và nếu trái táo không còn ở đó, thì Doremon nhất định sẽ cho nổ tung ngôi nhà.
Lý thuyết lượng tử được tìm hiểu và khai triển dường như mở ra cánh cửa hẹp cho giấc mơ chứng thực rằng những lý thuyết siêu nhiên thực sự có thực. Nhưng khi tra vấn kỹ, thì những vấn đề về lượng tử gần gũi với cái gì hơn, toán học hay vật lý thực nghiệm? Phải thỏa mãn những tiêu chuẩn nào thì một lý thuyết khoa học được chấp nhận, và nếu lý thuyết đó không vi phạm các nguyên tắc của logic để được mọi người tán thành, thì có đồng nghĩa với việc nó hiện hữu trong thế giới thực tại này? Điều này động chạm nhiều đến vấn đề lý luận đây, bởi trong đa số trường hợp tranh luận, bạn sẽ vấp phải những rào cản như thuật ngữ chuyên ngành, bản chất số liệu,… những vấn đề mà ngay từ đầu không dành cho một người ngoại đạo. Và nếu “kẻ địch” tinh ý ném ra một bảng số liệu thống kê khi cuộc tranh luận đang kịch tính thì sao?
Tôi không nghĩ sự thể lại bế tắc đến vậy nếu lỡ bạn là một người không chuyên. Mặc dù có những tranh luận sâu xa mà chỉ có kiến thức chuyên ngành mới thỏa mãn được, nhưng trong đa số trường hợp, việc tháo gỡ khúc mắt trong các lý thuyết siêu nhiên hoàn toàn nằm trong khả năng của bạn. Cái chúng ta cần là huy động năng lực duy từ trực giác mà, buồn thay, nó hiển nhiên tới độ chúng ta quên mất rằng mình luôn sở hữu khả năng đó. Và như cách tôi sắp nói ra đây, hẳn mọi người sẽ thấy rằng “bí ẩn về bộ não” chỉ là trò lừa của ngôn từ.
Trở lại vấn đề đã nói, cảm giác của bạn khi đọc về Lý thuyết ấm trà đó là gì. Làm gì có một cái ấm trà như vậy. Ai rảnh hơi bắn một cái ấm trà vào vũ trụ để rồi nó sẽ tan nát dưới tác động mạch mẽ của thiên thạch. Và, ồ, tôi đã nghe tới các hành tinh, sao chổi, và những thứ nhân tạo như tàu vũ trụ, con người, nhưng một ấm trà ư, quá sức phi lý. Và nếu bạn nhận ra giọng văn sặc mùi bài trừ mê tín này, thì biết đâu bạn nghĩ rằng tôi đang cố vẽ ra một lý thuyết để làm nổi bậc ý tưởng của bài viết, và cái ấm trà đó hiển nhiên không có thực. Tôi giả sử rằng bạn, trong vị trí của tôi, tin tuyệt đối rằng một ấm trà như vậy có tồn tại, thì biểu hiện của “niềm tin-không nghi ngờ” đó sẽ là gì?
Bạn đã bao giờ thấy một người choàng tỉnh giữa giấc ngủ, cầm chiếc dép lên rồi “alo” như thật khi có kẻ bày trò chơi khăm “ê, dậy, có điện thoại nè!” chưa? Bạn có bao giờ trong cơn mê sảng do sốt vùng dậy chạy mà không biết rằng chạy để làm gì chưa, thậm chí trong lúc đó bạn cũng không hiểu người khác hỏi mình chuyện gì và miệng bạn thì cứ lẩm bẩm “có biết đâu”. Nếu những chuyện này khá khó hiểu khi bạn chưa chứng kiến hoặc trải nghiệm, thì tôi xin hỏi rằng: bạn có nghi ngờ giấc mơ khi bạn đang mơ không, mặc dù nó phi lý đến khôn cùng và gây cười mạnh mẽ?
Những ví dụ trên nhằm mô tả cho bạn một trạng thái “tin-không nghi ngờ” mà ở đó, phản xạ tri giác của chúng ta tạm thời bị “tắt đi” để chấp nhận những cái phi lý (chiếc dép là điện thoại, nội dung của những giấc mơ), và nếu để bạn có một giây nghi ngờ, hẳn bạn sẽ nhận ra những phi lý đó và dừng ngay hành động lại. Bạn đang ngồi học, dưới bếp không người lại đột nhiên có tiến xoong nồi kêu loảng xoảng- Chắc mèo chạy qua, bạn nghĩ- Nhưng con mèo đang nằm ngay bạn- Vậy là chuột chạy qua làm đổ- Nhưng chỉ có một cái nồi gang nằm trên giàn bếp, và nó quá nặng so với một con chuột- Vậy chắc là… Vào khoảnh khắc chữ “ma” xuất hiện trong đầu bạn, cái gì xảy tới tiếp theo? Cảm giác tò mò hay sự sợ hãi ập tới. Nếu yếu bóng vía, câu trả lời sẽ không kịp xuất hiện bởi bạn đã vắt giò chạy mất.
Cái gì khiến bạn có phản xạ sợ hãi như vậy, sự phi lý nối tiếp phi lý của những giả thuyết (từ con mèo, con chuột đến con ma), hay bởi cái cảm giác mà từ “ma” gợi lên bất chợt ập tới tiềm thức bạn? Tôi tin rằng ngay khi suy luận ra chuyện con chuột không xáo nổi nồi gang thì tim bạn đã thình thịch lên rồi. Đúng vậy, để đến được trạng thái sợ hãi, cơ thể đã có sự phối hợp tự động - không chủ động, hay vô thức - của các cơ chế phản xạ để chuẩn bị hành động phù hợp với nỗi sợ hãi (tim nhanh, tai nhạy, mắt linh hoạt, tư thế chuẩn bị chạy: mông nhấc khỏi ghế, gối chùn, người quay về hướng ngược lại, còn miệng thì ú ớ sẵn rồi), và nếu đã không còn gì phải nghi ngại thì phóng nhanh cho kịp. Để thêm phần kịch tính, bạn vừa la làng vừa chạy.
Khi thu nhận một dữ liệu cảm giác (thông tin do các giác quan- xúc giác, thị giác,… cung cấp), bạn sẽ tiếp nhận và lưu trữ nó tại những vùng khác biệt của não bộ, hình ảnh đó sẽ được đối chiếu với những gì mà bạn quen thuộc. Nếu có sai lệch, thì nỗi nghi ngờ sẽ lập tức xuất hiện. Sao bốn cái chân bàn lại nằm trên so với mặt bàn? Ô sao cái ghế này bấp bênh vậy? Sao sờ chỗ này lại không cảm thấy gì? Sao trong đêm tĩnh lặng lại có tiếng động đó? Bạn không cần phải là một “nhà hoài nghi” để sở hữu những phản xạ tư duy ấy, bởi quá trình tồn tại của con người phải được đảm bảo dựa vào việc phối hợp vô thức giữa não bộ và giác quan. Nó như một cơ chế có sẵn nằm dọc theo những dữ liệu cảm giác, sẵn sàng kích hoạt khi có một điểm bất thường khi đối chiếu với cái quen thuộc. Vậy cái gì xảy ra khi “hệ thống nghi ngờ” này không hoạt động? Chiếc dép sẽ được bạn áp sát vào má để nghe liên khúc “alo” cho tới khi bạn nhận ra điều sai trái. May mắn rằng trong hầu hết trường hợp, cơ chế này hoạt động khá trơn tru. Bạn sẽ nằm xuống khi hiểu rằng chẳng có gì để vùng dậy cả. Hoặc bởi bản chất phi lý của một ấm trà, bạn sẽ cười khảy và nếu tôi may mắn, bạn đọc lại nó vài lần để có dịp thì xài.
Hầu như mọi điều về ma quỷ, những phức cảm kỳ lạ, thần bí đều bắt nguồn từ chênh vênh. Bạn mơ màng, bạn giật mình, bạn mê sảng, hoặc khi trong cơn bấn loạn. Chúng ta nhầm lẫn rất nhiều khi cơ thể đang đánh vật để tái thiết trạng thái tỉnh táo. Đã có ai nhìn tận mắt cái gì phi lý mà người đó tin chưa. Nếu nó rõ ràng, nó không phi lý.
VẬY, TÔI SẼ NÓI GÌ VỀ NHỮNG LÝ THUYẾT CAO SIÊU?
Phải thừa nhận rằng tôi chẳng biết gì về vật lý ngoại trừ, vâng, trái táo của Newton- thứ vốn thuộc về sinh học hoặc siêu thị. Khi nói về lý thuyết dây, Einstein, lượng tử,… não tôi như một em gái 18 e ấp tát bạn trai - là tôi - cú tát đầu đời. Phải vậy đấy, tôi từ chối hiểu những cái đó, và thật sự không thể hiểu nổi, bởi những lý thuyết đó đòi hỏi phải được thông suốt bằng một nền tảng vật lý vững chắc. Tôi không phủ định những lý thuyết về thông tin, tồn tại lỗ đen, nhưng nó không có nghĩa rằng mọi phát biểu mang lớp ngoài là những cái đó hiển nhiên đúng. Để dễ hiểu lý do, thì, bạn có chấp nhận rằng người ta dùng tên của bạn để minh chứng cho việc họ hiểu về bạn? Sẽ ra sao nếu lý thuyết được phát biểu chỉ có cái vỏ ngoài thực sự là “lý thuyết lượng tử”, còn nội dung của nó thì không?
Tôi nghĩ bạn nhận ra vấn đề rồi. Một chân lý đúng không chỉ nằm ở bản thân chân lý, nó còn nằm ở cách người ta chứng minh, khai triển chân lý đó nữa. Lý thuyết lượng tử là rất cao siêu, nhưng anh chứng minh thế nào sự liên quan giữa lượng tử và ma quỷ? Trong khi đó, được sự hỗ trợ bởi những lý thuyết về phản xạ vô thức, những sai lệch thông tin, ảnh hưởng của thế giới với bộ não, tôi hoàn toàn có thể ủng hộ giả thuyết rằng chúng ta đã có một “cơn tâm thần cấp” thoáng qua đủ để không ai nhận ra triệu chứng bất thường mà vẫn giữ được những ấn tượng phi lý. Và bằng những dẫn chứng cá nhân mà bất cứ ai cũng đã trải qua, bạn có thể tự kiểm tra cái tôi nói.
Tại sao những người “yếu bóng vía”, những người có thần kinh không vững, những người nhạy cảm mới là đối tượng các hiện tượng siêu linh hay tìm tới. Vì họ nhạy với thế giới huyền bí, hay trong đầu họ đã đặt sẵn một niềm tin vào thế giới huyền bí trước rồi, nó chỉ đợi có điều kiện để bật ra?
Hãy chú ý đến những lý thuyết siêu nhiên huyền bí, có phải bạn luôn tìm được những lý do để biện hộ cho những câu chuyện đó, nhưng chẳng bao giờ tìm được cách để xác thực nó không.
Hãy nhớ về những giấc mơ, những ảo tưởng, hiểu lầm, những niềm tin không được chất vấn, liệu bộ não là khó hiểu, hay sự phi thường cũng là một đặc điểm của não bộ. Nếu cái đảm nhận chức phận tư duy bị lỗi, thì cái gì sẽ giúp nó nhận thức được rằng nó đang bị lỗi?
Và hãy nhớ lại cách bạn thoát khỏi những u mê đó để thấy rằng bạn đang nắm trong tay một công cụ rất mạnh để thoát khỏi những huyễn tưởng mà ngôn từ đem lại.
Một bài đăng của Nguyễn Thế Anh - biên bởi Lê Minh Hằng tại Maybe You Missed This F*cking News
Naht911
Thích tìm hiểu về mọi thứ trên thế giới và sưu tầm những bài viết hay. Là một coder php "gà mờ" tôi luôn muốn code của mình xanh - sạch - đẹp
Cùng Chuyên Mục
Khoa học & Cuộc sống
T-Rex Game Bot - Chơi game khủng long trên Chrome tự động
T-rex Game là một "easter-egg game" trong Google Chrome sẽ xuất hiện khi bạn mất kết nối internet. Dùng phím cách và các phím điều ...
Khoa học & Cuộc sống
Chính phủ Đan Mạch giúp những chú voi trong sở thú
Đan Mạch tuyên bố sẽ chi 1,6 triệu USD để giúp 4 chú voi trong rạp xiếc này được nghỉ ngơi và giải thoát.
Khoa học & Cuộc sống
Trầm cảm là như thế nào ?
Bài viết này giúp mọi người hiểu thêm về căn bệnh này chứ không đề cao hay tôn vinh nó lên. Các bạn nên phân ...